Đắng lòng nghề gạch

Dọc hai bên bờ dòng sông Chắc Cà Đao- huyện Châu Thành, An Giang là những lò gạch ngày đêm nhả khói. Làm gạch là kế mưu sinh của một bộ phận lớn những người dân nơi đây, đặc biệt là phụ nữ.

Sống nhờ gạch

Những lò gạch san sát bên bờ sông Chắc Đao- Châu Thành- An Giang lúc nào cũng tấp nập những thợ làm gạch. Người dân quanh vùng đến làm gạch thuê rất đông, mà phổ biến nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Em Dương Thị Lan, ấp Hòa Phú II, Châu Thành mới 18 tuổi nhưng đã có tuổi đời đi làm gạch 10 năm. Học hết tiểu học, Lan nghỉ ở nhà đi cõng gạch thuê.

Gia đình Lan có bốn anh chị em, nhỏ Duyên kém Lan hai tuổi, lên mười tuổi cũng nối gót chị đi làm gạch. Cõng gạch đến chai lưng thì hai đứa bắt đầu vào lò làm gạch.

Trong lò gạch Út Định, nơi Duyên đang làm, ngày cũng như đêm hơi nóng ngun ngút và mịt mù khói bụi. Khi thì chạy gạch, khi thì vào lò dỡ gạch, chở gạch, mới 18 tuổi nhưng bàn tay này đều chai sần, với những vết chai to tướng đặc trưng ở hai ngón tay giữa và ngón áp út.

“Làm riết rồi cũng quen. Chỉ khi nào xếp gạch chín từ trong lò, nóng em mới đeo găng tay” – Duyên nói, tay chỉnh lại chiếc khăn cho kín mặt. Ai làm việc ở các lò gạch cũng chỉ có bấy nhiêu, khăn, găng tay mỏng manh chống chọi lại với khói bụi và gạch vỡ rơi ào ào, có thể rơi vào người bên dưới bất cứ lúc nào.

Nói về nghề làm gạch, chị Lê Thị Xuân, 30 tuổi (ấp Hòa Long II) chia sẻ: “Ở đây ngoài làm lúa, làm gạch, đi phi lê cá thuê thì cũng chẳng còn nghề gì khác. Buôn bán thì tui không có vốn cho nên quanh năm suốt tháng chỉ đi làm gạch. Dù vất nhưng cũng đủ sống”.

Cùng người lao động vào những lò gạch mù mịt khói bụi mới thấy hết những cái khổ của họ.

Một ngày làm việc của những người thợ làm gạch bắt đầu từ 7 giờ sáng, chiều làm từ 2 giờ đến tối. Để được chủ lò thuê lâu dài, họ còn phải nhận làm thêm ban đêm. “Làm từ 10 giờ đêm tới 4 giờ chieeuf nhưng tiền công không đổi. Nhiều khi mệt mỏi không muốn đi làm nhưng phần vì nể chủ lò, phần vì sợ mất mối làm lâu dài nên phải chấp nhận”, chị Xuân cho biết thêm.

Làm gạch vất vả vậy nhưng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Một năm hai mùa, lao động làm gạch “đắt” nhất là vào mùa lúa, khi người ta còn bận đi làm lúa. Còn mùa mưa đến thì công việc rất bấp bênh.

“Có khi một tuần chỉ đi làm hai, ba ngày, không đủ sống. Lại sắp đến mùa mưa, tui đang tính mở sạp buôn bán nhỏ ngoài chợ mà chưa xoay được tiền vốn” – chị Lý Thị Liên (ấp Hòa Long) tâm sự.

Thiếu việc, những người phụ nữ như chị Liên lại phải quay sang tính kế làm phụ: Làm thuê trong các lò bánh mì, làm cá thời vụ trong các xưởng đông lạnh hoặc đi đặt giớn ở khắp những cánh đồng quanh miền… là phổ biến nhất.

Vì nghèo, vì đông con nên người dân ở đây thường để con đi làm gạch từ rất sớm. Trẻ con nhiều đứa mới bảy tám tuổi đã lang thang ra bến sông, ra lò gạch để cõng gạch thuê.

“Mười viên, thậm chí năm viên chúng cũng cõng. Cõng một trăm viên thì được 1000 đồng, già trẻ lớn bé gì cũng tính công như vậy” – chị Dương Thị Như cho biết. Xóm chị ở ấp Hòa Phú II có khoảng 7, 8 đứa nhỏ chưa lên mười đã í ới rủ nhau đi cõng gạch thuê.

Hỏi, sao không ở nhà học mà đi cõng gạch, nhiều em vô tư trả lời: “Làm gạch có tiền, đi học vừa không có tiền vừa chán!”.

Còn bố mẹ chúng, không ít người đưa ra cái triết lý “sanh chúng ra, nuôi chúng bằng đầu bằng cổ, có làm thì mới có ăn, làm ít cũng làm mà làm nhiều cũng là làm. Cho đi làm sớm cho quen, lại đỡ đần được phần nào”.

Những tai nạn thương tâm

Gắn bó với nghề gạch đã 20 năm nay, chị Hai Xuân (ấp Hòa Phú II) không lạ gì những tai nạn xảy ra tại lò gạch.

“Kể không hết được, mình đi làm lâu năm có kinh nghiệm mà thi thoảng còn vừa làm vừa run”, chị Xuân chia sẻ.

Công việc hôm nay của chị là trèo lên đỉnh lò lấy gạch chín cho xuống băng chuyền để vận chuyển dần ra bến sông. Nói đến chiếc băng chuyền, chị Xuân rùng mình kể lại: “Mới hồi tháng trước có người ở lò gạch ấp trên vô chạy gạch trên băng chuyền. Điện rò thế nào mà bị giật chết thương tâm lắm”.

Những tai nạn phổ biến ở các lò gạch đều dẫn đến thương tật thê thảm. Người thì bị cối gạch nghiến nát chân, người thì bị két mất bàn tay, người thì cõng gạch bị ngã gãy xương…

“Hồi hôm có thằng nhóc mới bốn tuổi theo mẹ vào lò làm gạch. Hổng hiểu ngồi chơi nghịch đất sao mà bị máy nghiến cụt một chân. Mẹ nó khóc ngất” -chị Thương đau lòng kể lại.

Trong những lò gạch ở đây, nhiều người mẹ đi làm thường đưa con theo. Chỉ vô tâm một chút là những đứa nhỏ ngây thơ có thể trở thành nạn nhân của lò gạch bất cứ lúc nào.

Em Nguyễn Thị Thía 19 tuổi ngụ ở ấp Hòa Phú II vẫn chưa hết bùi ngùi khi kể lại bất hạnh của đời mình. 15 năm trước, Thía còn là đứa trẻ theo mẹ vào lò gạch. Thía ngồi chơi, nghịch đất. Chẳng ngờ em trượt chân, bị cuốn vào máy. Chân phải của em bị nghiến nát đến tận ngang đùi.

“Giờ em đi làm may ngoài thị xã. Thi thoảng ghé qua nhà, nghe tiếng máy chạy gạch xình xịch, nhìn thấy những lò gạch bên sông lại thấy nhói lòng. Chẳng biết đổ cho chính mình hay cho số phận…” – Thía cay đắng tâm sự.

Tai nạn của Thía đã qua bao nhiêu năm mà giờ vẫn đau. Còn với Ba Lanh, một thợ gạch ấp An Hòa, mới vừa trải qua kiếp nạn thì nỗi đau còn mới nguyên. Cách đây vài tháng, trong lúc chạy gạch Lanh sảy tay bị đất cuốn đưa thẳng vào máy nghiền, nát mất bàn tay phải. Bệnh tật, người vợ mới cưới của Lanh nhẫn tâm bỏ cậu ra đi. Chàng trai hai mươi hai tuổi bỗng chốc mất trắng, lầm lũi về nhà kiếm sống bằng nghề bán vé số.

Những nỗi cay đắng của các nạn nhân của gạch là khôn kể. Biết là hiểm nguy, biết là có thể mất một phần thân thể, thậm chí mất mạng như chơi, song những người thợ làm gạch vẫn cần mẫn với gạch. Bởi, họ không có nhiều lựa chọn cho mình.

“Không làm gạch thì biết làm gì. Lúc nhỏ vì nghèo mà đi làm gạch, đâu có được đi học. Lớn lên lấy chồng, sinh con đẻ cái lại đi làm gạch. Không làm gạch thì cũng chỉ biết đi mò cua bắt cá, đi làm thuê cuốc mướn. Đời cha nối đời con biết bao giờ cho khá lên”, chị Hai Xuyến một thợ làm gạch thở dài cho biết.

Đó không chỉ là nỗi lòng của riêng chị mà còn là nỗi trăn trở thầm kín của hầu hết những người thợ làm gạch tại huyện Châu Thành này.

Quỳnh Anh

 

Gỡ khó cho làng nghề gạch gốm

“Vương quốc gạch” hiện nay đứng trước nguy cơ sản xuất ngày càng ngưng trệ, xuống dốc. Để tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống, các ngành chức năng đã vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp đổi mới công nghệ lò nung gạch.

Làng nghề điêu đứng

Toàn tỉnh hiện có 1.082 cơ sở sản xuất gạch ngói với 2.284 miệng lò, 45 cơ sở sản xuất gốm với 380 miệng lò. Năm 2011, sản xuất khoảng 750 triệu viên gạch, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Giá trị sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị hàng nông thôn, chiếm 56,88% giá trị sản xuất ngành vật liệu xây dựng trong tỉnh. Những năm gần đây, sản xuất gạch- gốm suy giảm, tạm ngưng khoảng 70% bởi công nghệ lạc hậu, cơ giới hóa còn ít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, vùng nguyên liệu không tập trung, xa nơi sản xuất.

Hầu hết các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, không có nơi chứa, che chắn trấu, tro nên gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng ngành sản xuất gạch gốm đang điêu đứng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến 2020”, đưa ra lộ trình thay thế một phần gạch đất sét nung.

Tuy nhiên, đến năm 2020, vật liệu xây dựng, gạch nung vẫn chiếm khoảng 60- 70%, nhất là trong điều kiện tỉnh ta không có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh gạch không nung. Để tìm lối đi mới cho làng nghề, giải pháp được đặt ra là đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, chuyển đổi mô hình từ thủ công nhỏ lẻ thành tiên tiến, thân thiện môi trường, nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Tào Xíu Châu- chủ cơ sở gốm Nam Hiệp Hưng (Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Nhiều đơn vị đến đặt hàng ngoài chất lượng sản phẩm họ còn rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường và sức khỏe công nhân. Vì vậy, cần có biện pháp cải tiến, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy nghề gạch gốm mới có thể vững bước đi tiếp”.

Hiện nay, ngoài kiểu lò thủ công truyền thống, trên địa bàn tỉnh còn có kiểu lò mang tính công nghiệp như hoffman, tuynel. Nhưng cả 3 dạng lò này đều có những nhược điểm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trong khi lò thủ công không xử lý được khí thải gây ô nhiễm môi trường, không tận dụng được nhiệt lượng thừa, chiếm mặt bằng lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu… thì lò hoffman, lò tuynel lại có giá thành cao, không nung được sản phẩm gạch tàu và gốm theo chủng loại, kích cỡ yêu cầu. Lò nung gạch bằng gas đang thí điểm cũng chưa đạt được kết quả khả quan.

 

Tìm lối đi

Để mở lối đi cho làng nghề, Sở Công thương Vĩnh Long phối hợp với bộ môn Vật liệu xây dựng (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Tân Mai (Mang Thít- Vĩnh Long) nghiên cứu thử nghiệm đề tài cải tiến lò gạch thủ công thành “Lò nung gạch đốt trấu liên hoàn giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường” gọi tắt là “lò liên hoàn”. Sau khi đưa vào vận hành thử, đã đạt kết quả bước đầu khả quan.

Nghề làm gạch

Với thiết kế xây dựng gồm 16 buồng có 2 dãy, mỗi dãy có 8 buồng, đốt trấu, thiết kế vận hành từ khâu đùn ép chân không tạo gạch mộc công nghệ nung liên hoàn chủ động điều khiển đường đi của lửa và phân bố nguồn nhiệt đều, tận dụng nhiệt để sấy gạch mộc ở các buồng nung kế tiếp… hệ thống xử lý khói bụi vận hành liên tục đồng bộ với quá trình nung, lò đã đạt được nhiều ưu điểm vượt trội, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, “chỉ cần 30% mặt bằng truyền thống (khoảng 5.000m2) đã có thể xây lò kiểu mới, sản lượng đạt trung bình 12 triệu viên/năm, rút ngắn thời gian từ 14- 15 ngày so với lò truyền thống (lò truyền thống: 100.000 viên đốt trong 18 ngày, lò liên hoàn: 4 ngày), ít tốn nhân công (khoảng 3 nhân công cho 1 buồng 11.000- 12.000 viên), ít tốn nhiên liệu, từ 190- 200g trấu cho 1 viên gạch 8×18 (lò truyền thống tốn từ 550- 600g trấu), có độ an toàn cao trong khi vận chuyển, chỉ cần 50- 60% đất sét đã có thể tạo thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường quy định”- ông Bùi Hữu Mai – Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai cho biết.

Để mô hình đạt kết quả cao và có thể nhân rộng, ông Bùi Hữu Mai kiến nghị: Cần có cách bảo vệ quyền công nghệ để tránh tình trạng cạnh tranh thương hiệu, khi chuyển giao công nghệ cần thành lập hiệp hội để khẳng định và giữ được thương hiệu gạch gốm Vĩnh Long, các cơ sở cần chuyển đổi sang công nghệ mới để nâng cao năng suất và duy trì ngành gạch gốm Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, nhiều giải pháp đã đưa ra như chuyển giao công nghệ miễn phí từ kết quả nghiên cứu đề tài, hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ từ ngân sách nhà nước…

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long- chủ nhiệm đề tài cho biết: Sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để tận dụng than sau khi thành phẩm, đồng thời phổ biến cho doanh nghiệp biết sự cần thiết và lợi ích sau khi chuyển đổi công nghệ.

Song song đó, cũng đề ra mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để từng bước thay thế một phần gạch đất sét nung cho phù hợp, phấn đấu đạt tỷ lệ 20- 25% vào năm 2015 và 30- 40% vào năm 2020.